Menu Button
CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 5
Tiếng Việt Tiếng Hàn

Sông Đà 5: Thành công về sản xuất bê tông RCC

Thứ tư, 22/08/2018 13:50
(Xây dựng) Đến công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Lai Châu vào những ngày cuối tháng 5 đúng vào dịp các lực lượng sản xuất, cung ứng và đắp đổ những khối bê tông đầm lăn cuối cùng để hoàn thành khối C1 đầu tiên từ đáy đập dâng của nhà máy có công suất lớn thứ hai ở nước ta, với tổng số 200 nghìn m3 bê tông bằng công nghệ đầm lăn.

Nói đến công nghệ bê tông đầm lăn hiện nay không còn thấy xa lạ, bởi tại đại công trường xây dựng Thủy điện Sơn La (2.400MW), những người thợ vận hành của Cty CP Sông Đà 5 lần đầu tiên được tiếp cận loại công nghệ mới nhất được áp dụng tại công trình và chính họ đã sản xuất thành công, đạt chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế dưới sự giám sát chặt chẽ nghiêm ngặt của rất nhiều các chuyên gia tư vấn, chuyên gia cung cấp thiết bị, của chủ đầu tư ở trong nước và nước ngoài đang hoàn thành vượt mức thời gian với khối lượng khổng lồ 2,8 triệu m3 bê tông đầm lăn tại đập dâng Thủy điện Sơn La.

Còn hiện tại ở Lai Châu, trên con đập lớn cũng với một khối lượng bê tông (2,2 triệu m3) được đắp đổ bằng công nghệ đầm lăn. Với trên 34 nghìn tấn thiết bị toàn bộ của hệ thống dây chuyền do Cty đầu tư trên 21 triệu USD, ngay sau khi hoàn thành thắng lợi tại Thủy điện Sơn La, những người đứng đầu Cty Sông Đà 5 đã ngay lập tức cho tiến hành tháo dỡ từng bộ phận thiết bị một cách khoa học, trình tự chia thành từng khối, cụm tùy theo loại thiết bị điện tử, các phụ kiện quan trọng được đóng gói vào các container mua trữ từ trước để tùy thuộc thiết bị nào cần bảo ôn thì được bảo ôn, bộ phận nào cần sấy thường xuyên thì phải thuê lắp đặt máy sấy. Do ý thức và đón đầu trước được nhiệm vụ và công việc của đơn vị nên mặc dù chịu rất nhiều phí tổn bảo trì, bảo dưỡng trong suốt 2 năm, nằm im cho đến những ngày cuối năm 2012, hơn 34 nghìn tấn thiết bị này được lần lượt vận chuyển đến Thủy điện Lai Châu. Nhưng làm sao có thể giữ gìn chúng được nguyên vẹn? Gần 1.000m băng tải có đoạn bị đứt gãy, có chỗ bị hỏng con lăn, mất vít; những hộp điều tốc của hệ thống chuyển động, một số vít tải bị thất thoát, rồi vài gối đỡ trung gian bị rơi vỡ hư hỏng, một số bộ phận trong ngoài các silo chứa phụ liệu bị mục, gỉ… Tất cả đều được kiểm tra kỹ càng sau đó đưa vào xưởng sửa chữa đặt tại hiện trường để đội ngũ hơn 20 kỹ sư kỹ thuật trực tiếp nghiên cứu, gia công hoặc tự tìm mua thiết bị thay thế, gia cố đến thời điểm mọi công đoạn đạt độ an toàn. Kỹ sư Lợi - Phó tổng giám đốc Cty cho biết: Nhờ việc định vị bằng ký hiệu, đánh số thứ tự cho từng loại thiết bị rồi đóng thành từng khối nên khi lắp đặt đều thuận lợi, suôn sẻ. Riêng các thiết bị điện tử, bình chứa… đều phải được siêu âm, chiếu chụp lại an toàn rồi mới đưa vào vận hành. Kỹ sư Đỗ Đức Hạnh - Giám đốc Ban Điều hành của Cty trên công trình cho biết: Khác biệt hẳn với Sơn La một khoảng cách lớn về trí tuệ và tay nghề chuyên môn! Bởi ở Sơn La khi lắp ráp các hệ thống cho đến khi vận hành dây chuyền đều phải có chuyên gia tư vấn và hướng dẫn cụ thể. Còn tại Lai Châu, tất cả đều do các kỹ sư công nhân của Sông Đà 5 thực hiện bao gồm cả việc tự sửa chữa, thay thế thiết bị, đã tiết kiệm được nhiều chi phí. Trong khi đó, họ còn làm mới hệ thống kiểm soát thiết bị, theo dõi diễn biến trong khi vận hành bằng hệ thống camera trong buồng điều khiển tạo thuận lợi cho công tác quản lý điều hành và tiết giảm một số nhân lực. Theo lời kể của Giám đốc Xí nghiệp 5.08 thì việc lắp đặt trên 820m dây chuyền băng tải từ Nhà máy sản xuất bê tông đến tận mặt đập là câu chuyện đáng ghi nhận nhất. Tại đây mặt bằng di chuyển cao - thấp không đồng đều nên phải lắp dựng 13 cây cột khác nhau, cột cao nhất 37m và cột thấp nhất là 10m, cùng với đó phải tự gia công, chế tạo và thay thế hàng trăm mét trong hệ thống dây chuyền. Theo kế hoạch và tiến độ được Ban chỉ đạo Nhà nước và Ban Quản lý công trình phê duyệt thì hạng mục này phải được hoàn thành trong vòng 135 ngày. Cty CP Sông Đà 5 đã hạ quyết tâm không nghỉ chính giữa dịp Tết Nguyên Đán Quý Tỵ vừa qua, huy động các thiết bị, xe máy cần thiết và tiến hành lập biện pháp tổ chức thi công hợp lý… Chỉ trong vòng chưa đầy 45 ngày, toàn bộ hệ thống băng tải đã được hoàn thành để công trường đưa vào sử dụng. Nhờ việc đưa vào sử dụng hệ thống băng tải này mà công tác đắp đập được triển khai sớm hơn dự định gần 2 tháng, tránh được mùa mưa lũ, giảm thiệt hại và giảm chi phí hàng trăm tỷ đồng.

Sẽ không còn nghi ngại gì thêm về một đội ngũ vận hành thuần thục, có kinh nghiệm chuyên môn cao, trưởng thành vượt bậc trong việc sản xuất công nghệ bê tông đầm lăn của cán bộ, kỹ sư, công nhân Cty Sông Đà 5. Được biết, ngay trên công trường Thủy điện Lai Châu, Sông Đà 5 có một trạm nghiền sàng công suất 250 nghìn m3 chủ động cung cấp thêm vật liệu cho công tác sản xuất RCC, hơn nữa còn tự bỏ vốn xây dựng thêm một trạm nghiền 90 nghìn m3 để phục vụ cho công tác đắp đổ bê tông CVC và lắp đặt một trạm trộn bê tông lạnh công suất 120m3/h nhằm chủ động cung cấp bê tông cho đơn vị bạn thi công tại các điểm quanh nhà máy.

Nguyễn Tất Lộc