Menu Button
CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 5
Tiếng Việt Tiếng Hàn

Chứng khoán niêm yết: Đến đáy thì sao?

Thứ bảy, 11/08/2018 09:48
Sự đi xuống liên tục của thị trường chứng khoán niêm yết thời gian gần đây khiến cho nhiều chuyên gia kinh tế và các NĐT không ngừng đặt câu hỏi về mức đáy của các chỉ số.

Để thị trường tự xác định đáy cho mình

Sau phiên "thủng đáy" 400 điểm ngày 04/6 của VN-Index vừa qua, hầu hết các chuyên gia chứng khoán và NĐT chuyên nghiệp đều không dám và gần như không thể đưa ra một dự báo về mức đáy của VN-Index trong đợt suy giảm này.

Tâm lý NĐT vẫn được coi là tác nhân chính kéo VN-Index và HaSTC-Index xuống dốc không phanh trong suốt hơn một tháng qua. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, yếu tố tâm lý đó xuất phát từ sự ảm đạm chung của cả nền kinh tế. Mức lạm phát gần 16% chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm 2008, nhập siêu khoảng 14,4 tỷ USD, tương đương 3,4 lần mức nhập siêu của 5 tháng đầu năm 2007, giá cả bất động sản ở mức cao bất hợp lý,…

Những bất ổn và khó khăn của nền kinh tế là tiền đề hết sức bất lợi cho các nỗ lực cứu chứng khoán của các cơ quan quản lý. Ai cũng biết, để cứu thị trường thì cần có tiền, tức là cần phải mở rộng "hầu bao" của các ngân hàng. Nhưng mở rộng đồng nghĩa với tăng nguy cơ lạm phát.

Mặc dù đã có nhiều lời hứa từ các quan chức Chính phủ rằng sẽ "không hy sinh chứng khoán", rằng sẽ tìm ra biện pháp để cứu thị trường. Nhưng điều mà ai cũng đã nhìn thấy là hơn một tháng đi xuống liên tiếp vừa qua, không hề có một giải pháp cụ thể nào được đưa ra, bất chấp rất nhiều gợi ý từ phía báo chí, các NĐT và các tổ chức, các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, tài chính, ngân hàng,…

Một trong những gợi ý được nhắc tới nhiều nhất là việc để thị trường tự quyết định "chiều" của mình. Cụ thể, nhiều chuyên gia cho rằng nên trả lại biên độ dao động trên hai sàn chứng khoán, HOSE là +/- 5%, còn HaSTC là +/- 10%. Khi đó, các NĐT sẽ "thấm thía" hơn những cái được và mất trong ngắn hạn, họ cũng sẽ cảm thấy "đã" hơn với cái được - nếu có.

Sông Đà 5


Tâm lý NĐT vẫn được coi là tác nhân chính kéo VN-Index và HaSTC-Index xuống dốc không phanh trong suốt hơn một tháng qua
Có lẽ tới thời điểm này, hầu hết các NĐT đều đã xác định tư tưởng không trông chờ nhiều vào các biện pháp của cơ quan quản lý thị trường. Bởi xét cho cùng, những biện pháp hành chính nhất cũng đã được đưa ra mà không phát huy hết tác dụng mong muốn. Vậy nên, để thị trường tự quyết định sẽ là một hướng đi hợp lý. Tuy nhiên, dù là bàn tay vô hình hay hữu hình thì điều quan trọng là phải rõ ràng, minh bạch. Những người tham gia thị trường phải nhận biết được hướng đi của các chính sách, để từ đó họ dễ dàng hơn trong việc đưa ra các quyết định của mình.

Ngưỡng kháng cự 320 điểm: chưa thể kết luận ngay!

Dù tự quyết định hay chịu ảnh hưởng từ các chính sách, kiểu gì thì đáy của thị trường cũng sẽ được xác định, vấn đề là ở đâu mà thôi.

Mới đây, thị trường dồn sự quan tâm của mình vào một thông báo của CNBC, hãng thông tin kinh tế uy tín của Mỹ. Dựa trên các phân tích kỹ thuật, tổ chức này đã đưa ra nhận định về các ngưỡng kháng cự của VN-Index.

CNBC nhận định, năm 2008, thị trường bị chế ngự bởi không ít nhân tố kháng cự, và điểm hỗ trợ tốt nhất trong thời kỳ này là 320 điểm. Các nhà đầu tư sẽ đặc biệt quan tâm tới thị trường chứng khoán Việt Nam khi VN-Index tiến gần tới điểm hỗ trợ này, và điều đó có thể giúp thị trường đảo chiều.

Thị trường chứng khoán của Việt Nam vốn “chẳng giống ai”, từ trước tới nay các dự đoán dựa trên các phân tích kỹ thuật thuần túy thường rất xa rời thực tế. Vậy nên, chưa thể kết luận ngay rằng mốc 320 điểm có phải là đáy của VN-Index hay không.

Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý. Thị trường chứng khoán là thị trường của kỳ vọng và niềm tin, đặc biệt là ở Việt Nam, tâm lý của những người tham gia đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Điều này có nghĩa là, khi tất cả, hoặc số đông tin rằng mức điểm nào đó là đáy, thì đó sẽ là đáy.

Một cách logic, khi người ta tin là đáy, người ta nghĩ rằng thị trường sẽ đi lên, và đó là lúc tiền được xuất ra để mua chứng khoán vào.

Còn xét xu thế thị trường, rõ ràng hiện nay không ai có thể lường trước được thị trường sẽ xuống đến đâu. Giả sử với tốc độ mỗi phiên mất 5-6 điểm như gần đây, trong vòng chưa đầy một tháng sụt giảm liên tục nữa hay thôi, mốc 320 điểm hoàn toàn có thể bị vượt qua. Tuy nhiên, 1 tháng là khoảng thời gian hợp lý cho những kỳ vọng mệt mỏi suốt thời gian qua và cũng là hợp lý để “nuôi” hy vọng cho thời gian tới.

Khi mà không ai nói tới một đích “hạ san” của Index, người ta không có chỗ để bấu víu, nhưng khi có một cơ sở khá “uy tín” để nuôi dưỡng hy vọng, thì cơ sở đó sẽ trở nên mạnh mẽ. Chính vì vậy, tại thời điểm hiện nay, 320 điểm có thể được coi là ngưỡng cản hợp lý!

Đến đáy thì sao?

Chuyện tiếp theo lại là khi Index đến đáy thì sao? Ngay tại thời điểm rất khó khăn về tiền như hiện nay, vẫn còn không ít nhà đầu tư lớn nhỏ đang sẵn sàn chờ cơ hội để bỏ tiền ra mua chứng khoán.

Có thể nói, chỉ cần có dấu hiệu của đáy mới, ngay lập tức các lệnh mua sẽ tràn ngập thị trường. Nhưng, liệu có chứng khoán để mua không? Câu hỏi này phải được đặt ra vì thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng rất mạnh bởi cái gọi là “tâm lý đám đông”.

Thời gian gần đây, cung – cầu chứng khoán trên thị trường niêm yết khiến cho người ta liên tưởng tới một cái bập bênh, chẳng bao giờ cân bằng.

Khi thị trường đi xuống, tất cả mọi người đồng loạt bán tháo, khiến cho mọi chứng khoán, không phân biệt lớn – bé, tốt – xấu đều sụt giảm. Không bàn tới mục đích bán là để cắt lỗ, để chuyển hướng đầu tư hay thuần túy là cần tiền, nhưng rõ ràng xu thế bán ra thường trở thành một đợt sóng thần rất mạnh. Bảng giao dịch điện tử luôn trong thế dày đặc dư bán, trống không dư mua.

Khi xuất hiện dấu hiệu đi lên, cung cầu thường cân bằng trong 1-2 phiên, rồi ngay lập tức, không ai bảo ai, tất cả đều ngừng bán ra. Ai không có tiền thì giữ chứng khoán đợi tăng giá thêm, ai có tiền thì đặt lệnh mua, vậy là cái bập bênh lại nghiêng về bên mua.

Điều này được lý giải một cách khá máy móc. Thông thường, thị trường đi xuống thì tất cả chứng khoán đều đi xuống, còn khi đi lên thì mọi chứng khoán đều lên giá. Vậy thì dại gì mà bán chứng khoán ra?

Kịch bản này rất có thể sẽ tiếp diễn sau khi đợt suy thoái này kết thúc. Nó vẫn sẽ đẩy thị trường đi lên, nhưng rất khó đạt được mức tăng mạnh mẽ theo đúng nghĩa “bùng nổ”. Đặc biệt khi mà những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam chưa có dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh hiện nay, tâm lý đám đông rất có thể sẽ giúp thị trường tìm thấy đáy của đợt suy giảm này. Nhưng rất có thể nó “góp phần” không nhỏ trong việc kìm hãm sự bùng nổ của thị trường ở giai đoạn “hậu suy thoái”!