(Xây dựng) - Ngót nghét 20 năm gắn bó với tờ báo ngành thân thương, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm sâu sắc là tôi đã đến với các công trường thủy điện, chứng kiến, lắng nghe và chia sẻ với công việc, cuộc sống của những người làm thủy điện.
Ngày trước, mỗi lần đến với công trường thủy điện là tôi đi cả… tuần trời. Sáng sáng tôi theo người lao động đến hiện trường, chứng kiến không khí lao động khẩn trương, chiều chiều tôi đến các khu vực lán trại của người lao động để tìm hiểu về đời sống tinh thần của họ.
Ở hiện trường, tôi đã được cắt nghĩa vì sao ở các công trường thủy điện, để phấn đấu đạt được mục tiêu thi công đến cao độ chống lũ A hay B nào đó, người công trường vẫn khắc trên vai công trình các khẩu hiệu mạnh mẽ “Cao độ A/B hay là chết”. Bởi nếu họ không thi công bảo đảm tiến độ đề ra, bao nhiêu thành quả lao động trước đó, thậm chí cả người, cả thiết bị sẽ bị lũ quét sạch. Vậy nên, trong thi công thủy điện, người ta vẫn dùng cụm từ “tiến độ máu lửa” khi nói về tiến độ công trình.
Còn ở khu vực lán trại, tôi được chứng kiến nhiều câu chuyện xúc động. Công trường thủy điện thường được xây dựng trong nhiều năm. Tùy từng thời điểm, công trường thu hút hàng nghìn, hàng vạn người lao động. Nhiều người trong số họ là trai thanh, gái tú, đến công trường bén duyên nhau mà nên vợ, nên chồng. Như câu chuyện về một người anh mà đến nay tôi vẫn còn giữ liên lạc. Lần đầu tiên tôi gặp anh ở công trường đường Hồ Chí Minh. Khi gặp lại ở công trường thủy điện Tuyên Quang, anh tin tưởng kéo tôi đi “thẩm định” bạn gái là người bản địa. Anh chị lấy nhau, chị theo anh đến công trường thủy điện Sơn La và sinh con trai đầu lòng nơi này. Khi con đến tuổi đi học, anh chị gửi con nhà ngoại rồi tiếp tục cùng nhau rong ruổi đến với thủy điện Lai Châu và sinh con trai thứ 2.
Cuộc sống của anh chị đúng như lời bài hát truyền thống của người làm thủy điện “Sau lưng là những thành phố”. Bởi công trường thủy điện nào chẳng được xây dựng nơi vùng sâu vùng xa, rừng thiêng nước độc. Khi công trình hình thành, “xanh cỏ đỏ mái”, họ lại ra đi và đến với công trình mới. Dù vậy, họ vẫn luôn tự hào “Vinh quang thay những người làm thủy điện”.
Một trong những câu chuyện xúc động nhất về người làm thủy điện là câu chuyện “1 chốn 4 nơi”. Tôi còn nhớ, tại công trường thủy điện Sê San 3 (tỉnh Gia Lai), tôi được chứng kiến nhiều cặp cả vợ cả chồng cùng tham gia xây dựng công trình. Trước đó, họ cũng từng tham gia thi công thủy điện Yaly (tỉnh Gia Lai), thủy điện Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình). Vậy nên, đến với Sê San 3, họ để lại bố mẹ già hoặc quê nhà, hoặc ở Hòa Bình, các con đang tuổi ăn học ở Yaly (tự lo cơm ăn nước uống, tự giác học hành), con nhỏ hơn, chưa đến tuổi đi học thì ở cùng với họ ở khu vực lán trại công trường.
Ngày đó, đường xa xôi, phương tiện đi lại chưa thuận tiện như bây giờ, có những cặp vợ chồng theo công trường biền biệt, 1 năm chỉ về thăm con được 1 - 2 lần. Tôi còn nhớ, một chị công nhân đã tâm sự: “Mỗi lần tôi về quê thăm con, với con, đấy mới là Tết”.
Tôi cũng biết những người anh, theo tiếng gọi thủy điện, họ đi hết công trường này đến công trường khác, vợ vò võ chờ đợi ở nhà trong những tháng ngày dài lê thê. Ngày hè, tranh thủ các con được nghỉ học, các chị lại đưa con lên công trường đoàn tụ với anh. Nhiều đứa trẻ giờ đã trưởng thành nhưng trong trí nhớ vẫn vẹn nguyên ký ức, bao giờ cũng vậy, kỳ nghỉ mát của gia đình là lên công trường với bố.
Đôi lúc, tôi cứ thắc mắc vì lẽ gì mà các anh cứ đi “không có nếu và nhưng” như thế? Nhưng khi chứng kiến các anh trở về có phần nhỏ bé, chậm chạp vì không còn cuốn theo các tiến độ máu lửa, vì không hẳn “tái hòa nhập” được với đô thị ồn ã, vì “chân mỏi gối chùn” thì tôi lại nghĩ vậy các anh cứ đi, cứ là người hùng hào sảng ở nơi công trường như tôi vẫn thấy.
Giờ đây, đất nước không còn những công trình thủy điện lớn như những công trường mà những người làm thủy điện đã từng kinh qua nữa. Những người làm thủy điện sẽ đi đâu và làm gì nhỉ? Câu hỏi mà bất kỳ thời hậu công trường thủy điện nào tôi cũng được nghe nhiều nhất. Song tôi biết, dù họ đi đâu, làm gì, họ vẫn tự hào: “Vinh quang thay những người làm thủy điện”.
Vũ Thanh Tâm