Menu Button
CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 5
Tiếng Việt Tiếng Hàn

Triển vọng mới ở Dung Quất

Thứ ba, 12/02/2019 13:01

(Báo Quảng Ngãi) - Là khu kinh tế (KKT) ven biển được thành lập đầu tiên của cả nước, đến nay KKT Dung Quất đã khẳng định vị thế, tầm quan trọng của mình trong hành trình phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Bên cạnh những dự án (DA) lớn đã và đang đầu tư, điểm nhấn nổi bật trong hoạt động thu hút đầu tư vào Dung Quất thời gian gần đây là các DA phụ trợ cho Khu liên hợp sản xuất Gang thép Hòa Phát Dung Quất, Doosan Vina và các DA du lịch, nghỉ dưỡng, đô thị của Tập đoàn FLC...

Sôi động những dự án mới

Đến KKT Dung Quất một ngày cuối năm, tôi chứng kiến một khung cảnh hết sức sôi động. Phía các cảng biển, hoạt động xuất – nhập hàng hoá của các doanh nghiệp diễn ra khá nhộn nhịp, khẩn trương. Còn trên “đại công trường” Hoà Phát Dung Quất, tiến độ thi công đang vào giai đoạn nước rút. Số lượng công nhân, kỹ sư của Hòa Phát và các nhà thầu trên công trường vào lúc cao điểm lên tới 13.000 người.

Tập đoàn Hòa Phát sẽ ưu tiên đưa hạng mục nhà máy cán thép dài vào vận hành trước và dây chuyền cán thép thứ 2 dự kiến sẽ được hoàn thành, đi vào sản xuất cuối năm 2019. Hòa Phát cũng đang xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu chuyên dùng, cho phép tàu trọng tải từ 150.000 - 200.000 DWT cập cảng, để vận chuyển nguyên vật liệu đầu vào và xuất sản phẩm đi các thị trường trong và ngoài nước.

"Đại công trường" Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất nhìn từ trên cao. Ảnh: Phạm Danh

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, DA Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất được ví như một “nhạc trưởng” mới trong “bản đồng ca” thu hút các DA đầu tư vào KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi. Dự án này không chỉ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp lớn vào nguồn thu của tỉnh, giúp nâng cao tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, mà còn kéo theo các doanh nghiệp phụ trợ đầu tư vào KKT Dung Quất, góp phần sớm đưa Quảng Ngãi trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại. Tiếp sau DA Hoà Phát Dung Quất, KKT Dung Quất đã “đón” DA Nhà máy tách và hóa lỏng khí công nghiệp của Công ty TNHH Khí công nghiệp Messer Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư 90 triệu USD, dự kiến vào đầu quý II/2019, DA sẽ đi vào hoạt động. Cùng với đó là nhiều DA phụ trợ cho Khu liên hợp như: DA Cấp nước thô cho Khu liên hợp (11,7 triệu USD), quy mô 100.000m³ ngày/đêm; Nhà máy chế tạo thiết bị phụ trợ và bãi đỗ phương tiện vận tải cho Khu liên hợp (5,29 triệu USD); Nhà máy sản xuất hợp kim sắt Hòa Phát Dung Quất (132,3 triệu USD) và Nhà máy sản xuất các sản phẩm sau thép (thép dự ứng lực), vốn đầu tư 72,54 triệu USD. Nằm trong quy hoạch KKT Dung Quất mở rộng, DA KCN VSIP Quảng Ngãi cũng đang là một điểm nhấn trong hoạt động thu hút đầu tư vào Quảng Ngãi. Đến nay, VSIP Quảng Ngãi đã thu hút 22 nhà đầu tư có vốn trực tiếp nước ngoài đến từ Mỹ, Philippines, Hồng Kông, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á, với tổng vốn đầu tư 723,6 triệu USD. Ước tính sẽ có 35.000 việc làm khi 22 nhà đầu tư đi vào hoạt động. Riêng Doosan Vina, thời gian qua tiếp tục khẳng định là “thỏi nam châm” thu hút đầu tư vào KKT Dung Quất. Tháng 6.2018, có 6 nhà đầu tư Hàn Quốc phụ trợ cho Doosan Vina được Ban Quản lý cấp giấy chứng nhận đầu tư (tổng vốn đầu tư hơn 11 triệu USD), hiện đã động thổ vào tháng 8.2018 và đang khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để triển khai xây dựng.

2019-02-12_131518

Điều gì làm hấp dẫn các nhà đầu tư?

Trong chuyến khảo sát, nghiên cứu đầu tư tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi (tháng 3.2018), ông Sato Tadashi – Tổng giám đốc Công ty TNHH Fujikura Automotive Châu Á (Tập đoàn Fujikura - Nhật Bản) cho biết: “Ngoài các lợi thế như quỹ đất sạch, cảng biển nước sâu, cơ sở hạ tầng đồng bộ... thì nguồn nhân lực dồi dào chính là một yếu tố quan trọng để chúng tôi chọn KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, để nghiên cứu đầu tư”.

 Trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Minh Tài (đứng đầu bên phải) tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy South Sea Leather Dung Quất 1. Ảnh: Phạm Danh

Trưởng BQL KKT Dung Quất và các KCN tỉnh Nguyễn Minh Tài (đứng đầu bên phải) tham quan dây chuyền sản xuất của Nhà máy South Sea Leather Dung Quất 1. Ảnh: Phạm Danh

Cùng với cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư thuận lợi, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi đang sở hữu những lợi thế riêng, hấp dẫn các nhà đầu tư, mà không phải tỉnh, thành phố nào cũng có được. Đó là hệ thống cảng biển nước sâu - cửa ngõ quan trọng cho xuất nhập khẩu hàng hóa trong nước và quốc tế. Tại đây đã đưa vào vận hành các bến cảng chuyên dụng gắn với các nhà máy công nghiệp nặng và các cảng tổng hợp, đáp ứng tàu có trọng tải từ 50.000DWT- 100.000DWT. Hiện Tập đoàn Hòa Phát đang xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu chuyên dùng, cho phép tàu trọng tải từ 150.000 - 200.000DWT. Ngoài ra, một số nhà đầu tư đang khảo sát, lập DA đầu tư hệ thống cảng tổng hợp – cảng container quy mô lớn tại KKT Dung Quất. Bên cạnh đó, lợi thế về quỹ đất phát triển công nghiệp tương đối rộng và cơ sở hạ tầng ở KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã và đang được đầu tư hoàn thiện cũng là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nơi đây còn sở hữu những tiềm năng, lợi thế lớn để phát triển du lịch, dịch vụ. Bằng chứng là năm 2018, KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi “đón” được nhiều DA thuộc lĩnh vực du lịch – thương mại và dịch vụ. Điểm nhấn chính là các DA của Tập đoàn FLC đầu tư tại Khu đô thị Vạn Tường, với tổng vốn đăng ký đầu tư 12.470 tỷ đồng... Thời gian qua, để đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ngãi và Ban Quản lý đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xử lý các thủ tục đầu tư. Đội ngũ CB, CCVC Ban Quản lý luôn xác định “nhà đầu tư, doanh nghiệp là đối tượng phục vụ”; luôn đồng hành, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư trước, trong và sau khi cấp phép đầu tư.

2019-02-12_131531

THẢO VINH