Menu Button
CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 5
Tiếng Việt Tiếng Hàn

Tìm nguồn cung điện cho những năm tới

Thứ tư, 11/09/2019 13:34
(ĐTTCO) - Hàng loạt dự án chậm tiến độ, nhiên liệu “bấp bênh” do phụ thuộc nhập khẩu khiến trong vòng 5 năm tới dự báo cả nước sẽ thiếu khoảng 12 tỷ kWh điện. Theo Bộ Công thương, với kịch bản tăng trưởng GDP bình quân 7%/năm, nhu cầu năng lượng cho năm 2020 phải đạt 235 tỷ kWh điện; đến năm 2025 cần 352 tỷ kWh và năm 2035 là 506 tỷ kWh.

Chạy dầu giá cao, điện vẫn thiếu

Tính đến nay, công suất nguồn điện Việt Nam có khoảng 54.000MW, bao gồm cả các loại năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời mới đưa vào hoạt động. Để đáp ứng nhu cầu điện của năm 2020 cần khoảng 60.000MW công suất nguồn, đến năm 2030 cần 130.000MW.

Trong khi đó, hiện tổng công suất nguồn điện của Việt Nam đã gần như không còn dự phòng, nhiều dự án theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đều chậm tiến độ. Theo Cục Điều tiết điện lực, nếu như năm 2015-2016, hệ thống điện dự phòng đạt khoảng 20% - 30% thì đến 2018-2019, hầu như không còn điện dự phòng nên sang giai đoạn 2021-2025 nguy cơ xảy ra tình trạng thiếu nguồn cấp điện là rất lớn, nhất là khu vực miền Nam.

Tìm nguồn cung điện cho những năm tới ảnh 1

Điện gió cung ứng điện tại tỉnh Bạc Liêu
Ảnh: CAO THĂNG


Nguyên nhân chính dẫn tới việc thiếu điện tại miền Nam là do tiến độ các dự án điện khu vực này bị chậm so với kế hoạch 5 - 10 năm! Về các dự án năng lượng tái tạo, đến nay đều tập trung ở nơi có phụ tải thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu truyền tải, hạ tầng lưới điện 110 - 500kV. Chưa kể, các dự án đường dây 220 - 500kV cũng đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, đền bù…

Theo tính toán, với các dự án nguồn điện đưa vào vận hành năm 2019-2020, có thể đáp ứng được nhu cầu điện toàn quốc. Tuy nhiên, cần huy động thêm nguồn nhiệt điện chạy dầu với sản lượng tương ứng 1,7 tỷ kWh vào năm 2019 và 5,2 tỷ kWh vào năm 2020. “Trong trường hợp các tổ máy phát điện không đáp ứng yêu cầu về độ tin cậy vận hành hoặc không đảm bảo đủ nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, Việt Nam có thể đối mặt nguy cơ thiếu điện vào năm 2020.

Các năm từ 2021-2025, mặc dù sẽ huy động tối đa các nguồn điện chạy dầu nhưng hệ thống điện nhiều khả năng không đáp ứng nhu cầu phụ tải và xảy ra tình trạng thiếu điện tại miền Nam với mức thiếu hụt tăng từ 3,7 tỷ kWh (năm 2021) lên gần 10 tỷ kWh (năm 2022), mức thiếu hụt cao nhất vào năm 2023 khoảng 12 tỷ kWh”, đại diện Cục Điều tiết điện lực phân tích.

Tái khởi động điện hạt nhân?

Phát biểu tại diễn đàn Năng lượng Việt Nam vào hạ tuần tháng 8-2019, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, để đảm bảo cung cấp điện, bộ đã chủ động đẩy mạnh các giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn sắp tới. Trong đó, khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời áp mái; đặc biệt tại khu vực phía Nam để giảm áp lực nguồn cung, tăng cường tiết kiệm điện, triển khai các chương trình kiểm toán năng lượng…

Đồng thời, phối hợp với các bộ ngành liên quan tìm cách tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng tính toán tăng nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc.

Cụ thể, với nguồn điện từ Lào, theo thỏa thuận đã ký giữa hai Chính phủ, công suất mua tới năm 2020 khoảng 1.000MW, tăng lên 3.000MW vào năm 2025 và khoảng 5.000MW đến 2030. Lượng điện nhập từ Trung Quốc cũng dự kiến tăng từ năm 2021, với mức giá cạnh tranh hơn so khung giá mua điện từ Lào và thấp hơn giá trung bình các nhà máy nhiệt điện than (trên 7 cent/kWh).

Từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ nước xuất siêu sang nhập siêu về năng lượng và ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn năng lượng nhập khẩu như kế hoạch nêu trên. Còn các nguồn năng lượng tái tạo tuy có tiềm năng nhưng giá thành còn cao, gặp nhiều rào cản kỹ thuật và tài chính trong việc phát triển và vận hành.

Do đó, trong một văn bản gửi Thủ tướng mới đây, các chuyên gia thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân với nền kinh tế đang thời kỳ phát triển mạnh, nhu cầu năng lượng còn tiếp tục tăng cao.

Trong khi đó, nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp phong phú nhưng hữu hạn, không còn đáp ứng được nhu cầu sản xuất điện và phải nhập khẩu than, khí hóa lỏng với sản lượng ngày càng tăng. Do vậy, để góp phần giải quyết vấn đề này, một trong những giải pháp hữu hiệu là phát triển điện hạt nhân.

Hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về việc khởi động lại dự án điện hạt nhân. Hầu hết chuyên gia đều không đồng thuận và đề xuất phải cân nhắc thận trọng, bởi đến thời điểm này chưa có cơ sở nào để khẳng định làm điện hạt nhân an toàn và bền vững. Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, điện hạt nhân là vấn đề lớn của đất nước.

Ban Kinh tế Trung ương đang chỉ đạo nghiên cứu để tham mưu với Đảng, Chính phủ có chính sách phù hợp với sự phát triển năng lượng nói chung. Trước mắt cần tính tới giải pháp khác giúp đảm bảo an ninh năng lượng.

LẠC PHONG
(Theosaigondautu)