(Xây dựng) - Đã ngót 1/3 thế kỷ qua, cái tên Cty Sông Đà 5 giờ đây đã có vị thế nổi trội sánh ngang tầm với nhiều DN lớn trên thế giới về lĩnh vực xây dựng thủy điện đặc biệt là đập cao dùng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC).
Hơn 10 năm lại đây, thương hiệu Sông Đà 5 được gắn liền với Chất lượng - tiến độ vượt bậc tại các công trình thủy điện có quy mô tầm cỡ quốc tế. Tại 2 dự án lớn nhất quốc gia là Thủy điện Sơn La và Thủy điện Lai Châu, Sông Đà 5 đã tạo nên bước đột phá thành công kỳ diệu với hai con đập ngăn sông cao nhất, dày nhất và khó khăn phức tạp nhất đạt khối lượng hơn 5 triệu m3 bê tông bằng công nghệ đầm lăn. Bằng sự dũng cảm của những người quản lý Sông Đà 5 trong việc đầu tư dây chuyền sản xuất bê tông đầm lăn từ CHLB Đức và hệ thống băng tải vận chuyển của Nhật Bản trị giá 25 triệu USD, các kỹ sư và công nhân Cty đã làm chủ được công nghệ tiên tiến hiện đại bậc nhất trên thế giới - một cuộc cách mạng, một cuộc lột xác đã làm thay đổi tư duy, hành động của tập thể CBCNV Sông Đà 5 trong công cuộc làm mới mình về văn hóa DN, về môi trường và an toàn lao động, về thái độ và ý thức lao động, về kiến thức khoa học… Thợ Sông Đà 5 đã cùng các nhà thầu hoàn tất con đập lớn tới trên 3 triệu m3 bê tông đầm lăn, góp phần hoàn thành toàn bộ Nhà máy Thủy điện Sơn La công suất 2.400MW đưa vào vận hành sớm trước thời hạn 2 năm, làm lợi cho kinh tế quốc dân hàng trăm nghìn tỷ đồng. Cuối năm 2015, Sông Đà 5 tiếp tục hoàn thành bàn giao con đập lớn thứ 3 cả nước ở Thủy điện Lai Châu với hơn 2 triệu m3 bê tông đầm lăn.
Thi công Hố móng Đập.
Sự lớn mạnh về tầm nhìn và tư duy của cán bộ quản lý, về trình độ nghiệp vụ của đội ngũ công nhân cùng với việc đầu tư mua sắm nhiều phương tiện máy móc, thiết bị tiên tiến phục vụ thi công là những nhân tố trọng yếu giúp Sông Đà 5 tự tin chủ động vươn ra nước ngoài cạnh tranh, nhận thầu thi công những dự án lớn. Thời cơ thành công ấy đến vào năm 2014 khi Sông Đà 5 chính thức được nhà Tổng thầu Obayashi Corporation (Nhật Bản) ký kết hợp đồng giao cho đơn vị đảm nhận thi công toàn bộ gói thầu xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Nghiệp 1 công suất 300MW trên sông Nậm Nghiệp thuộc tỉnh Bo-ly-kham-say (CHDCND Lào). Có được gói thầu giá trị xây lắp lên tới ngót 2.500 tỷ đồng ở nước ngoài, Sông Đà 5 đã vượt qua thách thức tiến đến môi trường chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn G7. Với hơn 800 cán bộ, kỹ sư và người lao động được chọn lựa để thi công Thủy điện Nậm Nghiệp 1, các lực lượng xây dựng của Sông Đà 5 đã tiến hành triển khai thi công đồng bộ trên toàn công trình. Đây là một dự án lớn do Tập đoàn Kansai Power Company (Nhật Bản) làm chủ đầu tư. Điểm mạnh về tác phong làm việc của Sông Đà 5 cũng rất phù hợp bởi đối tác Nhật Bản vốn thẳng thắn, sòng phẳng, đúng hẹn cùng với kỹ thuật chuẩn xác, luôn bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng - tiến độ, và tôn trọng những điều luật đã ký kết trong hợp đồng. Kết thúc một năm tài chính 2015, dòng chảy những đồng USD thứ 40 triệu đã nhập về tài khoản Cty, góp phần chung cho phát triển đất nước. Giờ đây, Sông Đà 5 trở thành đối tác tin cậy của các nhà đầu tư Nhật Bản tại các dự án thủy điện trên toàn thế giới, các dự án mới mà phía chủ đầu tư Nhật Bản đang đầu tư sẽ được ưu tiên cho Sông Đà 5. Tôi đến Sông Đà 5 những ngày đầu năm, không khí của ngày Tết đã lùi xa, tất cả các kỹ sư phòng đấu thầu quốc tế đang bận rộn cho một dự án siêu lớn với gói thầu khoảng 1,5 tỷ USD được những kỹ sư và chuyên gia của nhiều nước cùng tập trung hoàn thiện vì mục tiêu thắng thầu trong dự án này.
Đầu tháng 3/2016, chúng tôi ghé thăm công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Nậm Nghiệp 1. Không khí lao động tại hố móng Đập dâng dưới độ sâu hơn 30m liên tục hối hả với hàng chục xe vận tải nặng, xe ủi, máy xúc cùng nhiều tốp thợ đang khẩn trương bốc xúc, vận chuyển đất đá hoàn thiện bề mặt hố móng để trung tuần tháng 3 có thể tiến hành đổ bê tông đầm lăn. Kỹ sư Trần Hữu Hùng - Giám đốc điều hành Dự án của tổ nhà thầu Sông Đà 5 cho biết: Đây là hạng mục quan trọng, cấp thiết trước mắt được công trường tập trung thi công mở đầu cho công cuộc đắp đổ bê tông đầm lăn RCC trên tuyến đập tràn. Thời tiết nơi đây đang là mùa khô, nên công tác khoan nổ, đào đắp phải được tiến hành đồng thời, khẩn trương. Ngay cả dịp Tết cổ truyền Việt Nam cũng chỉ có chưa tới 70 CBCNV có hoàn cảnh đặc biệt mới được nghỉ phép về nước, còn lại gần 800 nhân lực trong tổng số lực lượng xây dựng của các nhà thầu vẫn trụ lại công trường tiếp tục làm việc (trừ 2 ngày nghỉ Tết chính). Hiện tại, dây chuyền Nhà máy sản xuất bê tông đầm lăn và trạm trộn công suất lớn 720m3/h đã được lắp đặt ổn định và đưa vào vận hành thử nghiệm, theo đó 2,4km băng tải cũng được lắp đặt vào vị trí an toàn. Hơn 2,3 triệu m3 đất đá được đào và bốc xúc vận chuyển đi để nhường lại mặt bằng thi công cho đê quây, toàn bộ thiết bị chế tạo và vận chuyển từ Việt Nam đạt 7.000 tấn.
Còn rất nhiều công việc cần phải hoàn thiện sau hơn 1 năm triển khai thi công, song chừng ấy hạng mục công trình chính sớm được hoàn thành đã đủ làm minh chứng rõ ràng cho năng lực của các nhà quản lý Sông Đà 5. Có thể khẳng định đây là bước mở đầu suôn sẻ thuận lợi của nhà thầu xây lắp Việt Nam tiến ra nước ngoài làm việc trong môi trường kinh doanh quốc tế. Tôi có niềm tin Sông Đà 5 sẽ thực hiện được những mục tiêu của mình.
Nguyễn Tất Lộc