(Báo Tiền Phong đưa tin)TP - Ngồi ở công trường thủy điện Sơn La, trực tiếp được chứng kiến sự nắc nỏm này khác của những chuyên gia kỹ thuật thuộc loại cộm cán, thấy không có lý gì để mà không biên ra đây cái sự lạ ấy!
Thời nay công nghệ làm thủy điện nhỏ như cái tuốc bin củ tỏi mà đồng bào vùng cao vẫn ngăn suối chắn lạch đủ để coi ti vi và thắp mấy bóng điện trong nhà đến hoành tráng kỳ vĩ như Hòa Bình như Yaly như Sê San này khác và ngay ở Sơn La đang xây đây, dù phương án ngầm hay hở thì cũng cùng một nguyên lý na ná giống nhau.
Ấy thế mà ở thân con đập thủy điện Sơn La lớn nhất Đông Nam Á đang có một việc lạ!
Tôi không muốn dùng lẫn dẫn lại những nhận xét của ông David Moris, chuyên gia nước ngoài trong bộ phận tư vấn giám sát chất lượng công trình thân đập thủy điện rằng đây là một sự kiện phi thường đáng kinh ngạc và gì nữa, đã đạt được một tiến độ xây dựng đập thủy điện nhanh nhất thế giới!
Chúng ta đã từng hụt hẫng lẫn tẽn tò bởi những cái nhất... quả đất này khác do người mình đôi khi vui quá vống lên cũng có, do bạn bè vì lý do động cơ này khác bốc lên cũng có...
Nhưng ngồi ở công trường thủy điện Sơn La, trực tiếp được chứng kiến sự nắc nỏm này khác của những chuyên gia kỹ thuật thuộc loại cộm cán và những người thợ chuyên làm các công trình thuỷ điện lớn thì thấy không có lý gì để mà không biên ra đây cái sự lạ ấy!
Như mọi người đều biết, tiến độ của công trình thủy điện Sơn La được rút ngắn xuống hai năm, thay vì 2012 phát điện tổ máy thì năm 2010 phải làm được việc đó. Thời điểm tiếp được trát của trên về tiến độ ấy, tôi đang có mặt ở công trường.
Đã đành việc những người thợ xây dựng thủy điện hơn ai hết, trước nhất cảm thông với nhu cầu cấp bách về điện năng về năng lượng này khác. Họ chừng như đã quá quen với những chiến dịch đẩy nhanh đẩy mạnh vượt trước thời gian những công trình lớn nhỏ nọ kia, nhưng thú thực khi ấy, tôi đã đọc được chút chi đó như là hoang mang này khác trong ánh mắt trong lời nói của không ít cán bộ kỹ thuật công trường chuyên làm thuỷ điện.
Nghĩa là tất tật các bộ phận của Tổng B Sông Đà đang tham gia xây dựng công trình thủy điện Sơn La là phải căng ra 3 ca 4 kíp. Việc 3 ca 4 kíp thì có gì mới nhỉ?
Nhưng cái hoang mang ấy nó muôn thuở và dai dẳng từng hành hạ những người làm thủy điện là liệu vật tư có về đúng tiến độ? Liệu tốc độ dải ngân có kịp thời với tiến độ thi công hay lại rồi chậm lương chậm thưởng? vv...
May thay, thế hệ làm thủy điện bây giờ đâm ra nhàn hơn lớp cha anh! Cơ chế thị trường, cơ chế hòa nhập không mấy khó khăn đã đặt trên bàn họ rất nhiều những thông tin về những phương án thi công hiện đại để họ chọn lựa.
Một cứu cánh cho Tổng B Sông Đà khi họ đã mạnh dạn lựa chọn phương án thi công đập bằng bê tông đầm lăn có tên là RCC (Roller Compacted Concerete) Tổng Cty Sông Đà đã chọn Cty Sông Đà 5 để thực hiện phương án RCC. Các bước lập dự án, hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu và lựa chọn nhà cung cấp thiết bị được thực thi khẩn trương.
Quá trình xét thầu chấm thầu và được sự thỏa thuận phê duyệt của các cơ quan chức năng, họ đã lựa chọn được nhà thầu LIEBHERR. Nhà thầu này có trách nhiệm cung cấp hệ thống trạm trộn 720m3 bê tông/h đồng bộ.
RCC lần đầu được áp dụng ở Việt Nam một cách quy mô. Đó là một dạng bê tông được chế từ một hỗn hợp các loại nguyện liệu: xi măng, 4 loại đá với các kích cỡ khác nhau (nhỏ cỡ 5 x 12,5mm đến 25x50mm) trộn với cát nhân tạo (được nghiền từ đá) cộng với tro bay (loại bồ hóng muội than của nhà máy nhiệt điện Phả Lại Uông Bí... mà từ trước đến nay vẫn thải ra nhưng không biết sử dụng vào việc gì) cộng một số phụ gia nữa.
Từ trạm trộn 720m3/h, các hỗn hợp nguyên liệu được pha chế nhào trộn hoàn toàn tự động và theo hệ thống băng tải hiện đại rót trên mặt đập. Cứ 30cm lớp vữa bê tông ấy, các loại thiết bị đầm lăn sẽ làm cái việc nén chắc phẳng bề mặt thân đập.
Nói là phi thường và đáng kinh ngạc như ông David, bởi một trạm trộn, một công ty sản xuất bê tông theo phương pháp thông thường thì phải mất những... 20 năm làm việc liên tục để có 1 triệu m3 bê tông.
Nhưng qua 8 tháng 3 ngày, trạm trộn 720m3/h của Công ty Sông Đà 5 đã sản xuất và gằng rịt 1 triệu mét khối bê tông RCC trên mặt con đập của công trình thủy điện Sơn La! Bằng chất giọng tự hào, ông David cũng không quên quảng cáo cho công ty toàn cầu của mình, đại khái, phần cơ bản của trạm trộn của Sông Đà 5 được chế tạo và chạy thử tại nhà máy của chúng tôi tại Đức.Toàn bộ công việc thiết kế được thực hiện cũng tại Đức. Đó là cơ sở để chúng tôi tin tưởng vào chất lượng sản phẩm. Cùng với việc đầu tư ở Sơn La, thiết bị của chúng tôi đã vận hành tốt ở Đức, Brazil, Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan...
Qua David, tôi cũng biết được thiết bị của Sông Đà 5 đang vận hành có giá 20 triệu USD. RCC cũng đã từng xảy ra trục trặc. Đó là sự cố sập một đoạn băng tải đã kéo tiến độ chậm gần 2 tháng nhưng đã kịp thời khắc phục.
Đã có những nghi ngờ cho rằng RCC không phải là vật liệu thích hợp để xây mặt đập nhưng kết quả của tư vấn giám sát đã khẳng định tại Việt Nam có thể sản xuất RCC đạt chất lượng và loại vật liệu này hoàn toàn thích hợp cho các đập lớn và quan trọng.
Kỹ sư Vương Thanh Tùng, Phó giám đốc phụ trách việc sản xuất RCC, người nhỏ thó nói về những công việc to tát đã làm cứ bình thản như không. Những quy trình rắc rối phức tạp của RCC đến nay “quân” Sông Đà 5 gồm 250 thợ của RCC đã hoàn toàn đảm nhận từ đầu đến cuối. Thời gian đầu công ty đã cử một số kỹ sư, thợ trẻ đi thực tập ở Thái Lan.Tôi ngạc nhiên khi biết quy trình ngặt nghèo của việc sản xuất RCC, có công đoạn để đảm bảo việc sản xuất RCC đạt tiêu chuẩn, những ngày quá nóng, những người thợ vận hành đã phải trộn cỡ 20 kg nước đá, thứ đá mà ta vẫn uống cà phê ấy cho mỗi mét khối bê tông dạng RCC.
Làm sao thì làm, nhưng những mẻ RCC từ nơi sản xuất chạy qua băng chuyền đến vị trí mặt đập phải đảm bảo nhiệt độ 220C. Vì vậy toàn bộ dây chuyền từ sản xuất đến thi công phải là đồng bộ. Pha cả đá ăn vào RCC, tưởng giá thành đắt hóa ra qua kỹ sư Tùng, tôi được biết mỗi khối RCC cũng tròm trèm 1 triệu bằng giá mét khối bê tông thông thường.Thứ cát nhân tạo nghiền ra từ đá ấy đâu như giá thành 120.000 đồng /m3. Trong khi cát vàng vận chuyển đến chân công trình thời giá hiện nay đã 320.000đồng/m3.
Vấn đề chưa phải là giá thành thế này thế khác mà là tiến độ. Phụ trách Tổng B Sông Đà tại công trình thủy điện Sơn La ông Nguyễn Kim Tới cho biết nếu không đảm bảo thời gian tích nước thì thuỷ điện Sơn La sẽ chậm 1 năm phát điện. Một năm nhỡ là đi tong gần 1 tỷ Kwh điện.
Đập thủy điện Sơn La phải giằng rịt tổng cộng 3 triệu m3 bê tông. Với công nghệ RCC và tiến độ thi công mặt đập như hiện nay, phần việc 2 triệu m3 còn lại phục vụ cho tiến độ phát điện 2010 có thể nằm trong tầm tay!
...Ngày chung vui mẻ bê tông thứ một triệu trên công trường, tôi gặp lại người thợ đường hầm Sông Đà Vũ Tiến Lăng nay chững chạc ở vị thế Chủ tịch công đoàn của Tổng B. Lăng cùng trật với lớp thợ đường hầm những thi sĩ Nguyễn Lương Ngọc (đã mất), Tạ Duy Anh văn sĩ đang ăn khách bây giờ.
Chúng tôi vẫn gọi vui Vũ Tiến Lăng là nhà thơ một bài. Hồi làm đường hầm Sông Đà, Lăng có một bài thơ khá nổi"Chúng tôi đi không có nếu và nhưng..."Có cái lạ là những người thợ đường hầm Sông Đà và quân thuỷ điện Sông Đà rất nhiều người thuộc bài thơ ấy của Vũ Tiến Lăng. Trong những dịp vui văn nghệ của những người thợ thuỷ điện Sông Đà không thể thiếu được tiết mục trình bày bài thơ của Vũ Tiến Lăng.
Tôi mừng vì biết Lăng bây giờ vốn liếng không chỉ một bài thơ ngày ấy. Chững chạc, đằm hơn sâu hơn... Âm hưởng những bài thơ mới của Lăng chắc chắn sẽ dựng lên cho Lăng một tập thơ dày dặn nếu xuất bản.
Nhưng với Lăng thơ chỉ là việc phụ. Cơm áo gạo tiền, cả niềm vui lẫn nỗi buồn, đời sống vật chất tinh thần của bẩy ngàn rưỡi thợ Sông Đà trên công trường thuỷ điện Sơn La không đùa với khách thơ Vũ Tiến Lăng.
Những ngày gian nan ở Sông Đà ở Na Hang... và từng là thân phận là tư cách người thợ chắc sẽ chỉ bảo lẫn trợ giúp cho ông chủ tịch công đoàn này vô số những việc phải làm. Có cái may hơn ở công trường trọng điểm Sơn La, có vẻ như đời sống vật chất khấm khá thì chưa nhưng đỡ gian nan hơn những công trình như Sông Đà, Yaly, Sê San?
Lại nữa những phương pháp thi công tiên tiến như RCC cũng giảm cho người thợ xây dựng thủy điện không ít những nhọc nhằn. Hiện đại đỡ nhọc hơn nhưng khéo lao động mà phải dôi ra thu nhập thấp, thậm chí thất nghiệp! May cái ở công trường khổng lồ này những việc kinh khiếp như thế đối với người lao động rất hiếm khi xảy ra.
Tôi cũng gặp lại chị Thu, Trưởng ban nữ công của công đoàn tổng B Sông Đà 7, đơn vị đảm nhận việc sản xuất các kích cỡ đá cho RCC. Chồng chị mất trong một tai nạn ngày ấy ở Sông Đà. Ngày anh mất, hai đứa con của anh chị hẵng còn láu tháu.Qua Sông Đà và mấy công trường khắp đất nước như Yaly như Sê San... biết bao nhọc nhằn gian nan có lúc mẹ một nơi con một nẻo, mừng cho chị đến nay hai cháu đã vào đại học. Niềm vui gặp lại cô thợ điện Ngô Thị Huân như nhân lên thêm...
Hai vợ chồng Huân đến Sơn La đã hơn hai năm nay. Hồi tôi vào Sê San 3 rẽ vào khu tập thể công trường, tôi gặp bốn gia đình thợ ở trong một gian nhà. Gia đình của Huân hai vợ chồng đứa con gái lớn và cháu trai mới sinh, bày chật một góc như thế.
Tầm cơm chiều, căn nhà mù mịt khói người lớn trẻ con của bốn nhà ngó cứ lờ nhờ như coi phim âm bản. Bây giờ ở Sơn La, mỗi gia đình như Huân đã có một căn nho nhỏ. Con gái lớn vẫn phải gửi ở quê Ninh Bình với ông bà vì trên này chưa có trường học.
Xuân Ba (PV báo TP)