Menu Button
CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 5
Tiếng Việt Tiếng Hàn

Lợi ích kinh tế, xã hội của dự án mỏ Cá Voi Xanh

Thứ sáu, 26/04/2019 15:23
Cá Voi Xanh là dự án trọng điểm quốc gia và là mỏ khí lớn nhất được phát hiện tại Việt Nam đến hiện tại, với trữ lượng khoảng 150 tỷ m3 khí và condensate. Khí từ mỏ Cá Voi Xanh sẽ cung cấp cho các nhà máy điện ở Núi Thành tỉnh Quảng Nam và Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi trong tổ hợp khí điện miền Trung đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2017. Khái toán ban đầu, dự án mỏ Cá Voi Xanh có vòng đời 25 năm, doanh thu từ khí dự kiến khoảng 30 tỷ USD; doanh thu từ điện khoảng 30 tỷ USD. Tổng doanh thu cả vòng đời dự án toàn Tổ hợp khoảng 60 tỷ USD; trong đó đóng góp cho ngân sách Nhà nước khoảng 20 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 3.000-4.000 lao động trình độ cao.Nhìn tổng quan, khi đi vào hoạt động, mỏ Cá Voi Xanh sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các tỉnh miền Trung.
Hợp đồng phân chia sản phẩm (PSC) đối với các lô dầu khí 117, 118 và 119 thuộc bể Sông Hồng được ký từ ngày 30/6/2009 giữa 3 đối tác gồm: ExxonMobil,Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vàPVEP (công ty thành viên của PVN) theo tỷ lệ: 64% (ExxonMobil), 15% (PVEP) và 21% (PVN).Do nắm giữ tỷ lệ cổ phần lớn nhất nên ExxonMobil là nhà điều hành.

Mỏ Cá Voi Xanh nằm trong lô dầu khí 118, cách điểm tiếp bờ huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam 90 km. Sau các chiến dịch khoan thăm dò năm 2011 và khoan thẩm lượng năm 2012, ExxonMobil đã phát hiện trữ lượng khí tự nhiên có thể phát triển thương mại rất tốt, khoảng 150 tỷ m3 khí và condensate (chưa công bố trữ lượng, nhưng sản lượng khoảng 1,1 triệu thùng/năm tương ứng 3.000 thùng/ngày).

Từ năm 2013, nhà điều hành đã làm Nghiên cứu thị trường để tìm phương án tối ưu cho mỏ Cá Voi Xanh là chuyển đổi khí đốt thành điện năng. Đây là là lựa chọn tốt nhất trong Giai đoạn phát triển ban đầu (gọi là Phương án cơ sở/Giai đoạn 1), phù hợp với chính sách hiện tại của Chính phủ là ưu tiên khí cho sản xuất điện năng.

Theo đó, do mỏ Cá Voi Xanh nằm ở miền Trung Việt Nam, cách xa các trung tâm nhu cầu năng lượng lớn ở miền Bắc và miền Nam, nên các nhà máy điện được đề xuất xây dựng ở miền Trung nhằm tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên khí trong khi giảm thiểu được tổng mức chi phí dự án.
Ngày 13/1/2017, PVEP thuộc PVN cùng ExxonMobil ký Thỏa thuận khung Phát triển dự án và Thỏa thuận bán khí Cá Voi Xanh. Tiếp đó, ngày 15/6/2018, ký Thỏa thuận nguyên tắc Bảo lãnh Chính phủ (GGU). Tháng 2 năm nay, nhà điều hành ExxonMobil đã giao hợp đồng thiết kế tổng thể dự án cho nhà thầu Saipem của Ý.

Song song, ExxonMobil đã và đang cùng PVN xúc tiến các bước tiếp theo như Kế hoạch thu xếp vốn; Xúc tiến bảo lãnh Chính phủ (GGU) và hợp đồng bán khí (GSAs) với 3 nhà đầu tư các nhà máy điện với mục tiêu đưa dòng khí đầu tiên về bờ cuối năm 2023. Khí vận chuyển về bờ, ngoài cung ứng cho các nhà máy điện sẽ còn cung cấp cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, phục vụ chế biến sâu.

Đối với các dự án nhà máy điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh làm nhiên liệu, 2 dự án do PVN là chủ đầu tư cũng đã nộp nghiên cứu khả thi (FS) lên Thủ tướng Chính phủ để xin phê duyệt hồi tháng 9/2018. Hai dự án nhà máy điện còn lại, Dung Quất 1 (do EVN là chủ đầu tư) đã trình Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi (Pre FS) từ tháng 2/2019 lên Thủ tướng Chính phủ và đang chờ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Báo cáo khả thi (FS) của 2 dự án này cũng đang được lập. Đối với FS dự án Dung Quất 2 do tập đoàn Semcorp Singapore làm chủ đầu tư theo hình thức BOT, Bộ Công Thương đã phê duyệt hồi tháng 11/2018.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 cả ngoài khơi và trên bờ là 10 tỷ đô la. Sau khi hoàn tất thiết kế tổng thể FEED, lập và phê duyệt kế hoạch phát triển mỏ vào quý 1 thì quý 2 năm sau, ExxonMobil sẽ tổ chức đấu thầu quốc tế các gói tổng thầu. Sau khi được phê duyệt đầu tư (FID) vào quý 2/2020, Exxonmobil sẽ trao hợp đồng tổng thầu cho các nhà thầu trong và ngoài nước để đi vào thực hiện các hạng mục tổng thầu EPCI/EPC[1]cả ngoài khơi và trên bờ vào đầu năm 2021 và hoàn thành vào cuối năm 2023 để vận hành thương mại.

Thiết kế cơ sở và sản phẩm đầu ra

Theo thiết kế, nhà điều hành sẽ xây dựng một giàn xử lý trung tâm (ngoài khơi lô 118, thuộc bể Sông Hồng đấu nối hệ thống thu gom khí với 2 đường ống ngầm song song dài 90 km đưa khí và condensate (hỗn hợp hydrocarbon lỏng) về bờ và được xử lý tại nhà máy tách và xử lý khí đặt tại huyện Núi Thành, thay vì trên giàn ngoài khơi.

Nhà máy tách và xử lý khí (GTP) sẽ được xây dựng ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. ExxonMobil sẽ sử dụng công nghệ cao tích hợp chức các năng của kho chứa và xử lý dầu (FPSO) và nhà máy xử lý khí để tách khí, condensate và tạp chất. Đây là công nghệ cao đáp ứng yêu cầu khắt khe về an toàn sản xuất và thân thiện với môi trường.

Từ nhà máy GTP, sẽ có các đoạn đường ống ngầm dẫn khí đến 4 nhà máy nhiệt điện khí, với tổng công suất 3.000 MW (công suất mỗi nhà máy 750 MW). Hai nhà máy đặt ở xã Tam Quang, huyện Núi Thành và 2 nhà máy còn lại sẽ xây dựng ở Khu kinh Tế Dung Quất, thuộc địa phận xã Bình Thạnh (Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi).

Đối với các nhà máy điện, thiết kế dùng tua bin khí chu trình hỗn hợp, công nghệ tiến tiến trên thế giới hiện nay, có hiệu suất cao và rất thân thiện với môi trường. Mỗi nhà máy có cấu hình 2-2-1, bao gồm 2 tua bin khí, 2 lò thu hồi nhiệt kiểu nằm ngang tuần hoàn tự nhiên ba cấp áp lực có tái sấy và 1 tua bin hơi ba cấp áp lực phù hợp với công nghệ thiết kế của lò thu hồi nhiệt.

Sản lượng khí trung bình giai đoạn một khoảng 7,2 tỷ m3/năm và tăng lên 8,8 tỷ m3/năm sau giai đoạn mở rộng mỏ, trong đó phần dành cho hóa dầu là 1,6 - 1,7 tỷ m3/năm. Sản lượng condensate đạt khoảng 1,1 triệu thùng/năm (3.000 thùng/ngày), sẽ xuất bán tại cổng nhà máy GTP sau khi đã xử lý.

Từ nhà máy GTP, khí sẽ được cung cấp cho 4 nhà máy điện và Nhà máy lọc dầu Dung Quất (NMLD), phục vụ chế biến sâu. Công nghệ lọc dầu hiện đại, sau khi mở rộng giúp NMLD có thể sử dụng khí Cá Voi Xanh thay thế nguyên liệu LPG/Naphtha tại NMLD Dung Quất cho sản xuất Hydro phục vụ cho NMLD sau nâng cấp mở rộng và làm khí nhiên liệu cho NMLD để giảm chi phí giá thành.
Hơn nữa, tận dụng thành phần carbon trong CO2 (vốn có nhiệt trị cháy bằng 0) trong khí Cá Voi Xanh thích hợp cho phản ứng tổng hợp Methanol. Tiếp theo, Methanol sẽ được chuyển hóa thành Olefins (Ethylene/Propylene) qua công nghệ MTO/MTP và từ đó sản xuất các sản phẩm hóa dầu tiềm năng (như PP, PE).[2]

Phương án phát triển linh hoạt và tối ưu
ExxonMobil là nhà điều hành đứng trong top 5 tập đoàn dầu khí lớn nhất trên thế giới có tiềm lực tài chính rất mạnh, với tài sản vốn hơn 500 tỷ đô la, doanh thu năm 2018 hơn 290 tỷ đô la và là đối tác giàu kinh nghiệm khi có chi nhánh và các dự án toàn cầu. Việc nhà điều hành đã tiến hành các đánh giá về tổng quan dự án, phương án tối ưu, về nghiên cứu tiền khả thi và nghiên cứu khả thi đã thể hiện rất rõ về tiềm lực và kinh nghiệm. Theo đó, dự án Cá Voi Xanh sẽ được đầu tư phát triển theo phân kỳ. Việc phát triển theo giai đoạn phân kỳ cho phép đạt được thành công nhanh hơn nhằm đón dòng khí đầu tiên phục vụ phát điện và giảm thiểu các rủi ro về trữ lượng, thị trường, thương mại và rủi ro tài chính như sau:
Thứ nhất:Giảm thiểu rủi ro nếu trữ lượng khí giảm.

Phát triển phân kỳ cho phép đầu tư tăng dần khi xác định được trữ lượng trên thực tế tương ứng các ứng dụng về công nghệ khai thác và xử lý khí. Cách tiếp cận này đã được sử dụng thành công đối với một số mỏ dầu khí lớn trên thế giới. Sau giai đoạn một thành công, sẽ cho phép nhà điều hành và các đối tác đưa ra các phương án tối ưu và phù hợp nhất đối với giai đoạn mở rộng.
Thứ hai:Giảm thiểu các rủi ro về thương mại và thị trường.

Như đã đề cập, do mỏ Cá Voi Xanh nằm ở miền Trung Việt Nam, cách xa các trung tâm có nhu cầu năng lượng lớn ở miền Bắc và miền Nam, nên các nhà máy điện được đề xuất xây dựng ở miền Trung nhằm tối đa hóa việc sử dụng tài nguyên khí trong khi sẽ giảm thiểu được tổng mức chi phí dự án. Giai đoạn một như thiết kế cơ sở sẽ tiết giảm được rất nhiều chi phí thông qua việc đặt nhà máy điện gần mỏ khí, sử dụng cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng truyền tải điện hiện hữu. Do đó, trong giai đoạn một, PVN và các đối tác sẽ cắt giảm các chi phí từ việc xây dựng hệ thống truyền tải điện mới (Bắc - Nam) trong khi rút ngắn được thời gian đưa khí về bờ phục vụ các nhà máy điện.
Theo đánh giá, phương án một như đã chọn sẽ cắt giảm được khoảng 1,6 tỷ đô la chi phí đầu tư các nhà máy điện.

Thứ ba:Dự báo nhu cầu phụ tải điện toàn quốc đến năm 2030.
Nhu cầu tiêu thụ điện của toàn quốc và các miền Bắc, Trung, Nam giai đoạn đến 2030 được lấy theo dự báo nhu cầu tiêu thụ điện trong dự thảo Quy hoạch điện 7 (hiệu chỉnh) do Viện Năng lượng thực hiện. Cụ thể: trong các giai đoạn 2011-2015, 2016-2020, 2021-2025 và 2026-2030, điện thương phẩm toàn quốc dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ tương ứng là 10,6%, 8,5%, 7,5%, 6,3% (đối với Giai đoạn một - phương án cơ sở).
Hinh_1
Dự báo nhu cầu điện toàn quốc đến năm 2030

Thứ tư: Tiết kiệm chi phí so với nhiệt điện than.
Do sản lượng từ các mỏ than trong nước gần như cạn kiệt, các nhà máy nhiệt điện than đang phụ thuộc phần lớn vào nguồn than nhập khẩu. Điều này gây rủi ro khi phải phụ thuộc vào nhiên liệu đầu vào và chịu biến động của thị trường thế giới. Theo đó, các nhà máy nhiệt điện sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh giúp tiết giảm khoảng 20% chi phí so với điện than góp phần vào bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Thứ năm:Sản lượng khí khai thác trung bình giai đoạn 1 khoảng 700 MMSCFD (sản lượng khí hydrocarbon khoảng 420 MMSCFD), cung cấp cho các nhà máy điện và hóa dầu, không cần xây dựng thêm đường dây truyền tải điện, hoặc đường ống vận chuyển khí vào miền Nam.
Về mặt kỹ thuật, khái niệm "chuyển đổi khí thành điện năng" sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh có hàm lượng CO2 cao và khí có đơn vị nhiệt lượng (BTU) có nhiệt trị thấp, rất tiện lợi vì cho phép không phải xử lý khí để loại bỏ khí trơ (CO2) và lưu huỳnh (H2S).
Tuy nhiên, do khí từ mỏ Cá Voi Xanh có khí trơ nên trong thiết kế cần xây dựng đường ống lớn và trang bị các cụm máy nén để vận chuyển khí. Do đó, việc chủ đầu tư và PVN chọn đề án cụm khí điện miền Trung và tối đa hóa khối lượng khí làm nhiên liệu cho các nhà máy điện mà không cần đầu tư mới vào đường dây cao thế (dùng đường dây truyền tải hiện hữu) là phương án tối ưu.
Từ cách tiếp cận và xác định phương án tối ưu như đã tóm tắt, dẫn đến kết quả Nghiên cứu khả thi được phê duyệt. Được biết, nhà điều hành xác định sẽ phát triển giai đoạn một như đã nêu trên. Từ những kinh nghiệm và thành công của giai đoạn một, các bên trong liên doanh PSC sẽ lấy làm cơ sở để đánh giá cho việc phát triển giai đoạn mở rộng tiếp theo, được thiết kế phù hợp với trữ lượng khí còn lại và nhu cầu tiêu thụ ngày càng tăng của thị trường khí nội địa.

hinh_2
Vị trí Đường ống mỏ Cá Voi Xanh

Tăng cường đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Việt Nam
Được biết, Khu kinh tế (KKT) mở Chu Lai, Quảng Nam đã quy hoạch 1.000 ha đất, trong đó giao 160 ha cho ExxonMobil, 200 ha cho 2 nhà máy điện khí. Các diện tích còn lại là để đón các nhà đầu tư mới vào. Khi nhà đầu tư công bố quy hoạch, khởi động các dự án, tỉnh sẽ giải tỏa và giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư. Ở KKT Dung Quất thuộc hai xã Bình Trị, Bình Thuận thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, với tổng diện tích trên 800 ha, trong đó 338 ha là mặt đất, còn lại là mặt biển; nơi đặt 2 nhà máy điện khí còn lại, cũng sẽ làm tương tự.
Nằm giữa KKT Dung Quất và KKT Chu Lai là sân bay Chu Lai, sẽ là cầu nối với các tỉnh thành và quốc tế trong tương lai. Với quy mô dự án và vòng đời lên đến 25 năm, sau khi dự án đi vào hoạt động, khu vực Quảng Nam - Quảng Ngãi sẽ phát triển vượt bậc.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, trong thời gian đến, tại KKT Dung Quất, cũng như KKT mở Chu Lai sẽ có làn sóng các nhà đầu tư mới, sau khi sản phẩm khí Cá Voi Xanh được đưa vào bờ. Các nhà đầu tư về công nghiệp và dịch vụ phụ trợ từ Mỹ và Singapore thường có xu hướng theo chân các tập đoàn của nước họ, thâm nhập thị trường mới. Do đó, vấn đề đặt ra hiện nay với Quảng Nam và Quảng Ngãi là cần chủ động rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp trong KKT Chu Lai và KKT Dung Quất và đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư sau khí. Đồng thời, tính toán đầu tư hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp, giữa nhà máy nhiệt điện khí với các doanh nghiệp đầu tư sử dụng nguồn nhiên liệu khí để sản xuất.
Ngoài ra, tranh thủ xúc tiến các dự án sử dụng sản phẩm khí sau khi đã được đưa vào bờ, để sản xuất vật liệu xây dựng, các sản phẩm sử dụng nhiên liệu từ nguồn nhiên liệu khí nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển công nghiệp của tỉnh nhà. Về mặt quản lý Nhà nước và hành chính công gồm cấp phép đầu tư, cũng như thủ tục hành chính, cần chuẩn hóa, tiết giảm tối đa các thủ tục hành chính liên quan nhằm mở rộng cánh cửa, trải thảm đỏ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Đánh giá, kết luận
Trong bối cảnh năng lượng sơ cấp dành cho phát điện của nước ta ngày càng hạn hẹp, Việt Nam đang từ một nước tự chủ về năng lượng cho phát điện chuyển dần sang phụ thuộc vào bên ngoài. Việc nhập năng lượng sơ cấp cho phát điện mà chủ yếu là than trong giai đoạn tới tiềm ẩn rủi ro trong an ninh cung cấp điện. Dự án Cá Voi Xanh khi đi vào khai thác thương mại sẽ giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong nước, việc sử dụng khí Cá Voi Xanh cho phát điện sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu trong cơ cấu nguồn.
Nhìn về tổng quan, từ các đánh giá trên đây, chúng ta thấy rõ dự án Cá Voi Xanh sẽ mang lại các lợi ích cả về kinh tế và xã hội đối với các tỉnh miền Trung, làm thay đổi diện mạo và cân bằng cấu trúc kinh tế, xã hội giữa các vùng miền. Dự án cũng sẽ đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước, bao gồm:
1/Tăng trưởng kinh tế quốc gia, đóng góp khoảng 20 tỷ đô la vào ngân sách. Đây là nguồn thu rất lớn trong bối cảnh sụt giảm nguồn thu ngân sách từ PVN trong những năm qua.
2/Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo ra khoảng từ 3.000 đến 4.000 việc làm chất lượng cao cho các tỉnh miền Trung; thu nhập xã hội từ thuế và lợi tức đầu tư ở các khu công nghiệp.
3/Nguồn năng lượng nội địa đáng tin cậy để phát điện, vượt trội so với than và thân thiện với môi trường.
4/Dự án sẽ là động lực để thúc đẩy và phát triển công nghiệp ở khu vực miền Trung.
5/Dự án trong chuỗi khí điện, cũng như lọc hóa dầu có liên quan, giúp phát triển nội lực quốc gia và chuyển giao công nghệ cho các ngành công nghiệp trong nước.
6/Thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) nhiều hơn nữa.
Ngoài các lợi ích nêu trên, đối với ngành Dầu khí Việt Nam, trong bối cảnh các dự án lớn, trọng điểm đang bị chậm tiến độ, việc triển khai Cá Voi Xanh sẽ là bước đột phá giúp thúc đẩy chuỗi các tổng công ty dịch vụ kỹ thuật giải tỏa khó khăn để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Cụ thể, khi đi vào giai đoạn xây lắp, dự án sẽ thu hút dịch vụ từ các tổng công ty như PVE (tư vấn thiết kế), PVDrilling (dịch vụ khoan), DMC (dung dịch khoan), PTSC và PVC (thi công xây lắp), PVTrans (dịch vụ tàu vận tải biển), Petrosetco (dịch vụ tổng hợp). Trong quá trình thi công xây lắp hơn 3 năm, dự án sẽ thu hút khoảng 20.000 công ăn việc làm, trong đó nhân lực trong nước chiếm khoảng 15.000 nhân công. Dự án này khi đi vào thi công và vận hành thương mại sẽ là một dấu mốc để PVN thúc đẩy các dự án trọng điểm khác trong tương lai.
NGUYỄN LÊ MINH
Nguồn: nangluongvietnam.vn

Chú thích:
[1]Có 2 hạng mục tổng thầu, ngoài khơi là EPCIC gồm: thiết kế, mua sắm, gia công chế tạo, lắp đặt thiết bị và chảy thử vận hành; trên bờ là EPC gồm: thiết kế, mua sắm và thi công.
[2]Trong bài có dùng một số thuật ngữ và thông tin chuyên ngành.