Menu Button
CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 5
Tiếng Việt Tiếng Hàn

Hẩm hiu các dự án tháp nghìn tỷ giữa Thủ đô

Thứ năm, 30/08/2018 16:52

Trái ngược với tốc độ xây dựng cao ốc chen chúc nhau tại đất Thủ đô, nhiều dự án tháp nghìn tỷ lại bỏ hoang, ngừng thi công gần chục năm tuy nhiên lại không bị thu hồi, xử lý.

Dự án tháp Tài chính Quốc tế (IFT)

Trong cảnh “đắp chiếu” nhiều năm nay, dự án tháp Tài chính Quốc tế IFT do Tổng Công ty Bảo Việt nhân thọ làm chủ đầu tư dự kiến khởi công vào tháng 9/2010, nhưng đến nay vẫn bỏ hoang.

Dự án tháp Tài chính Quốc tế (IFT) nằm tại vị trí “vàng” hiếm có 220 đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội) với diện tích 13.159 m2, chiều cao 150m được dự kiến khởi công từ năm 2010. Hiện tại dự án vẫn là bãi đất hoang được quây tôn kín mít, bên trong cỏ mọc um tùm, là tụ điểm tập kết phế liệu rác thải.

Theo quyết định 8506/QĐ–UB của UBND thành phố Hà Nội ngày 29/12/2005, phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất khi giao 13.159m2 đất tại đường Trần Duy Hưng, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho Bảo hiểm nhân thọ Việt Nam lậpdự án đầu tư xây dựng Dự án Tháp Tài chính Quốc tế IFT.

IFT kỳ vọng là tòa nhà văn phòng hạng A, được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, trung tâm thương mại với 2 tầng dành cho khu thương mại và bán lẻ, 1 tầng cho khu dịch vụ và 27 tầng còn lại dành cho khu văn phòng...lại còn nằm ngay vị trí “vàng” Thủ đô, tuy nhiên dự án lại “găm đất”, để lãng phí.

Hẩm hiu các dự án tháp nghìn tỷ giữa Thủ đô - Ảnh 2.

Dự án nằm trên khu đất "vàng" Thủ đô để hoang, được quây tôn kín mít (Ảnh: Sức Khỏe Cộng Đồng).

Dự án tháp Vicem Tower

Dự án tháp Vicem Towerlà Trung tâm điều hành và Giao dịch Xi măng Việt Nam (Vicem Tower) có chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại.

Dự án được xây dựng trên diện tích 8.476m2 và có tổng vống đầu tư 1.952 tỷ đồng, sau tăng lên 2.743 tỷ đồng (tức tăng thêm gần 800 tỷ đồng). Theo thiết kế, dự án tòa tháp này có 31 tầng nổi và 4 tầng hầm, diện tích sàn xây dựng khoảng 78.270m2, đáp ứng 200 chỗ đỗ xe ô tô ngầm. Khởi công năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2014 nhưng đến nay sau 7 năm, Vicem Tower mới chỉ xây xong phần thô.

Hẩm hiu các dự án tháp nghìn tỷ giữa Thủ đô - Ảnh 3.

Dự án Vicem Tower "chết yểu" giữa đất "vàng" Thủ đô (Ảnh: Mạnh Thắng).

Hẩm hiu các dự án tháp nghìn tỷ giữa Thủ đô - Ảnh 4.

Dự án chỉ xây xong phần thô và "đắp chiếu" 7 năm.

Vicem Tower được thiết kế với hình dáng mạnh mẽ, vật liệu che phủ xung quanh công trình là các thanh đá vôi. Dự án được đánh giá là một trong những công trình quy mô lớn, thúc đẩy phát triển đô thị. Tuy nhiên lại khiến thất vọng khi công trường dự án vẫn không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào, cỏ hoang mọc ở nhiều nơi, hàng rào bao quanh đã xuống cấp.

Dự án tháp Thiên niên kỷ

Dự án tòa tháp Thiên niên kỷ Hà Tây (HaTay Millennium) nằm ở vị trí đất “vàng” ngay tại nút giao giữa đường Chu Văn An và đường Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội). Dự án triển khai gần chục năm vẫn chưa được hoàn thành.

Hẩm hiu các dự án tháp nghìn tỷ giữa Thủ đô - Ảnh 5.

Dự án Tòa tháp thiên niên kỷ Hà Tây (HaTay Millennium) (Ảnh: Duy Phạm).

Hẩm hiu các dự án tháp nghìn tỷ giữa Thủ đô - Ảnh 6.

Phối cảnh tòa Tháp Thiên Niên Kỷ.

Trong báo cáo mới đây của HĐND TP Hà Nội cho hay, dự án tòa tháp Thiên niên kỷ Hà Tây chậm triển khai là do quá trình nghiên cứu lập dự án chủ đầu tư đề nghị thành phố cho điều chỉnh từ 29 lên 45 tầng.Theo quy hoạch phê duyệt, dự án có quy mô 29 tầng với tổng vốn đầu tư 29,2 triệu USD. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô dự án với 2 tòa tháp cao 45 tầng và 3 tầng hầm, nâng vốn đầu tư lên 50 triệu USD.

Theo thông tin giới thiệu quảng cáo, dự án có quy mô gần 700 căn hộ. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành phần thô vào quý IV/2019, bàn giao công trình vào quý IV/2020.Dự án do Công ty TSQ Việt Nam làm chủ đầu tư. Ban đầu dự án, dự kiến hoàn thành vào quý IV/2010 để chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.

Đầu năm 2018, Chủ tịch TP. Hà Nội, Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu các quận/huyện kiểm tra, rà soát lại và có thể hủy các dự án đã quá 3 năm chưa thực hiện được xem là quyết sách quyết liệt đối với các doanh nghiệp cố tình "ôm đất", nhất là các lô đất vàng.

Lãnh đạo thành phố yêu cầu soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai thực hiện được (nhất là các dự án, công trình trọng điểm) và các trường hợp có quyết định thu hồi đất từ trước ngày 10/7/2014; làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả

Theo Duy Phạm

Tiền phong