Menu Button
CÔNG TY CỔ PHẦN SÔNG ĐÀ 5
Tiếng Việt Tiếng Hàn

Chứng khoán tháng 9 khó tăng mạnh?

Thứ bảy, 11/08/2018 09:48
Các chuyên gia chứng khoán nhận định: Thị trường tháng 9 vẫn nối tiếp đà tăng điểm của tháng vừa qua, nhưng sẽ có những phiên điều chỉnh và biểu đồ chứng khoán có hình răng cưa lớn hơn.

Thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 8 đã có một đợt tăng giá ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng của Vn-Index đạt gần 25%, HaSTC-Index gần 33%; kết thúc đợt điều chỉnh đi xuống trong tháng 7 do việc tăng giá xăng dầu thêm 31% ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư (NĐT).

Những thông tin tích cực về kinh tế vĩ mô cũng như các biện pháp điều chỉnh của cơ quan chức năng trong tháng như: CPI đang được kiểm soát, giá xăng dầu giảm, nhập siêu giảm, xuất khẩu tăng, Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc, các ngân hàng TMCP giảm lãi suất cho vay...

Thị trường hồi phục mạnh mẽ trong tháng 8 (tăng mạnh nhất kể từ tháng 10/2007 đến nay), không chỉ giúp NĐT giải toả tâm lý, mà còn thu hút thêm được một dòng tiền mới chảy từ các kênh khác sang.

Sông Đà 5

Biểu đồ giao dịch chứng khoán tháng 8.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng Bộ phận Phân tích - Đầu tư Công ty Chứng khoán Doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) chi nhánh TPHCM cho biết: Lượng giao dịch (tính bình quân phiên) trên 2 sàn chứng khoán gần đây rất lớn, lớn hơn cả thời điểm cuối năm 2007.

Chính niềm tin của NĐT vào chính sách điều hành vĩ mô của Chính phủ, về tương lai của thị trường, người ta mới đổ thêm tiền vào chứng khoán. Mọi người đều đã chứng kiến thị trường đi lên một mạch không nghỉ trong tháng 8 và tôi chắc đa số NĐT vẫn tin thị trường còn tiếp tục đi lên.

Theo các công ty chứng khoán, cho đến lúc này chưa có những dấu hiệu nào được coi là ảnh hưởng xấu đến thị trường, ngoại trừ tâm lý đầu cơ vẫn còn rất lớn mà sắp tới sẽ được gia tăng bằng đòn bẩy của ngân hàng (tức là các dịch vụ repo, cầm cố…).

Trong tháng 9 này, thị trường có nhiều khả năng đón nhận một loạt các công ty lên sàn. Điển hình là ngày 5/9, Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HaSTC) đã đưa vào niêm yết 149.985.150 cổ phiếu của Vinaconex (mã VCG), tương ứng giá trị gần 1.500 tỷ đồng. Đây là mã cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn thứ 2 trên sàn Hà Nội, sau ACB.

“Nói chung, chúng tôi cho rằng thị trường tiếp tục lên nhưng không còn mạnh như tháng 8 và biểu đồ sẽ có những răng cưa lớn. Tin “xấu” nếu có, có lẽ sẽ đến vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 do những lo ngại cho kết quả kinh doanh quý 3 của nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang phải vay ngân hàng với lãi suất trên 20% và khó huy động từ TTCK”, đại diện SMEs nhấn mạnh.

Lựa chọn cổ phiếu tốt không dễ

Sự hồi phục của thị trường đang chững lại ở mức trên 500 điểm, trước áp lực nền kinh tế vẫn chưa hết khó khăn và thử thách. Với mức điểm này, theo Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), danh mục đầu tư của hầu hết thành phần tham gia đầu tư tài chính vẫn đang lỗ hoặc lãi rất ít.

Khối các doanh nghiệp sản xuất có tham gia đầu tư tài chính như: REE hay SAM khó có thể đạt kết quả kinh doanh khả quan trong ngắn hạn, vẫn phải đối mặt với những khó khăn chung trong lĩnh vực truyền thống của mình, trong khi danh mục đầu tư chứng khoán chưa thể đem lại lợi nhuận.

Trước những rủi ro lớn trong việc đầu tư ra ngành ngoài, đặc biệt là đầu tư tài chính, có nhiều khả năng các doanh nghiệp này sẽ hạ thấp tỷ trọng đầu tư tài chính bằng việc hiện thực hoá lợi nhuận hoặc tái cơ cấu lại danh mục đầu tư kho có cơ hội.

Việc này trước mắt sẽ tạo ra một lượng cung tương đối lớn khiến thị trường khó có thể theo đà tăng mạnh nhưng tính thanh khoản được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ở mức tích cực trong tháng 9 này.

Một vài công ty chứng khoán cũng cho rằng, kết quả kinh doanh những tháng vừa qua chưa bộc lộ hết thực chất hoạt động sản xuất - kinh doanh của từng doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

Với những biểu hiện của 4 tháng cuối năm, NĐT sẽ dễ dàng hơn trong việc thẩm định mức lãi của các doanh nghiệp là thực hay ảo nhưng việc lựa chọn được cổ phiếu tốt cũng không hề dễ.

Theo dự đoán của ông Hoàng Xuân Quyến, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSi): “Thị trường có lẽ không có tăng trưởng nóng vì sự lựa chọn của các NĐT sẽ tập trung vào các cổ phiếu nhỏ và vừa hoặc các cổ phiếu mà họ tin chắc là kết quả kinh doanh quý 3, 4 vẫn tốt và mức giá còn hợp lý”.

Nắm bắt xu hướng đó, nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán bắt đầu quay trở lại với các dịch vụ truyền thống như: ứng tiền, cầm cố, repo… nhằm gia tăng thêm khả năng giao dịch cho khách hàng và cũng là một nguồn thu khá lớn bên cạnh phí môi giới.

Ông Hoàng Thạch Lân bày tỏ: “Căn cứ vào báo cáo tài chính năm 2007 của các công ty chứng khoán thì nguồn thu chủ yếu là tự doanh, phí môi giới chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 20 - 30%. Theo chúng tôi, hầu hết các công ty đều đang có vấn đề với tự doanh vì họ đầu tư cũng chưa chắc đã chuyên nghiệp hơn ai, hơn nữa nhiều công ty đã “thấm thía” mấy chữ “rủi ro do lướt sóng”.

Do đó, các hoạt động khác nhằm gia tăng tỷ trọng doanh thu từ môi giới đang được chính các công ty chứng khoán ráo riết thực hiện vì nó ổn định và bền vững hơn.

Các dịch vụ hỗ trợ nói trên, về bản chất đều nhằm lôi kéo khách hàng giao dịch nhiều hơn nữa để thu phí môi giới cũng như các khoản phí của chính dịch vụ đó.

Nguyễn Hiền