Nơi đây có nhiều thứ để ngợi ca: Sự hoành tráng quy mô to lớn của công trình; thời gian, tiến độ vượt lên sự mong đợi và là bài ca lao động của những người xây dựng Việt Nam. Một lần nữa, những người lao động Sông Đà lại được tôn vinh bởi sự cống hiến, sáng tạo và làm chủ công nghệ xây dựng hiện đại. Nửa thế kỷ qua bản trường ca về sức trẻ Sông Đà vang lên trên khắp mọi miền Tổ quốc. Có một tập thể gồm toàn những người trẻ, giỏi giang, sáng tạo luôn được giao hát bè chính, bè trầm trong bản trường ca bất tử đó là những người thợ Công ty Sông Đà 5.
Những ngày trước đó, kỹ sư Tiệp đã cùng một nhóm thợ hàn, thợ điện… tìm kiếm lắp dựng cỗ máy để thi công bê tông bản mặt con đập. Buổi chiều tháng 10 se lạnh, từ dưới chân đập cỗ máy của kỹ sư Tiệp lặng lẽ, nhịp nhàng trải đều bê tông trong tiếng hoan hô của những người lao động đang có mặt trên công trường. Vị chuyên gia nước ngoài có nhiều kinh nghiệm thi công đập bê tông bản mặt vượt dốc đến tận nơi để tìm hiểu. Ông ngạc nhiên, thán phục về tính năng, về thao tác và sự thuận tiện cho người sử dụng. Người nước ngoài thường quan tâm nơi chế tạo, ông lật tấm tôn mỏng bên thân máy. Một dòng chữ màu trắng viết vội vàng: made in Sông Đà 5.
Từ buổi chiều ấy, bài toán về thiết bị thi công đập bê tông bản mặt của công trướng Tuyên Quang đã có lời giải, Chủ đầu tư, kỹ sư tư vấn yên tâm về chất lượng, người thợ bớt nhọc nhằn trên con đập cao, dốc đứng. Chưa ráo mồ hôi trên công trường Tuyên Quang, tạm biệt cỗ máy trí tuệ, ông Tiệp và đồng nghiệp của mình hối hả lên Tây Bắc chuẩn bị cho trận đánh mới. Nhiều năm trải nghiệm trên các công trường, giỏi về tổ chức thi công, các phương án của ông trình bày đều được Chủ đầu tư đánh giá cao. Hàng nghìn người thợ, hàng trăm xe máy, một dây chuyền bê tông đầm lăn hiện đại… tất cả hối hả, nhịp nhàng theo cách bày binh, bố trận của ông.
Chủ tịch HĐQT Vũ khắc Tiệp vốn là người ít nói, mang dáng vẻ trầm tư của ông thầy dạy học. Phương án thi công cốc máy phát nhà máy thủy điện Sơn La hợp lý, khoa học, mang tính đồng đội trong con người ông Tiệp. Mặt bằng chật chội, giếng sâu vài chục mét, anh thợ bê tông, anh thợ lắp máy, anh thợ điện …anh nào cũng muốn giành thuận lợi về mình Phương án của ông Tiệp là rút gọn, tính đủ mặt bằng để Sông Đà 5 hoàn thành công việc, còn điều kiện tốt, đảm bảo an toàn nhường lại cho người lắp máy, anh thợ điện… Như thế để lãnh đạo thành công một tập thể mạnh, người đứng đầu phải giỏi chuyên môn, tính đồng đội và đầy ắp nhân văn.
Sinh ra ở làng quê huyện Trực Ninh–Nam định. Tổng giám đốc Trần Văn Huyên thừa hưởng cái thông thái, hoạt bát vốn có của dòng họ Trần đất thành Nam. Đất quê ông hiếu học, thời xưa nhiều người đỗ đạt cao làm quan trong triều, ngày nay nhiều người giỏi đảm nhiệm chức vụ quan trọng trong cơ quan Nhà nước. Ngày đầu trên công trường thủy điện Sơn La ông được giao nhiệm vụ lắp dựng và vận hành Nhà máy sản xuất Bê tông đầm lăn cấp vật liệu cho đập thủy điện. Dòng Sông Đà từ xưa đến nay vẫn nổi tiếng là hung dữ và khốc liệt. Chủ nhiệm thiết kế công trình đã chọn loại vật liệu bê tông đầm lăn cho đập chịu lực để ngăn chặn sự hung dữ của dòng sông. Vật liệu sử dụng đắp đập phải là loại đặc biệt, liên kết tốt và chịu áp lực cao. Thiết bị của nhà máy được nhập từ hai cường quốc về công nghệ là Đức và Nhật bản.
Với bao khó khăn, công nghệ đòi hỏi kỹ thuật cao, hàng nhập về lúc có, lúc không… tóm lại để hai gã nhà giàu đó ở chung với nhau, ông Huyên và những người thợ Sông Đà 5 phải vật lộn ngày đêm, đánh đổi mồ hôi, trí tuệ lấy dòng bê tông gửi vào con đập Thời gian đó người ta gọi Nhà máy Bê tông đầm lăn là trái tim của công trường, từ đây người ta sẽ tính ra tiến độ phát điện, tính ra ngày hoàn thành công trình.
Kể từ ngày đó, những người thợ Sông Đà 5 và ông Huyên hầu như không có thời gian nghỉ. Hệ thống băng chuyền lừng lững như dãy núi ,lúc nó nhịp nhàng, xuôi chèo mát mái ông dành thới gian cho công việc khác, lúc nó giở chứng, lắc lư ông và những người thợ xoay trần để trái tim vang nhịp đập. Từ lâu người Sông Đà vẫn làm như thế, cán bộ tổ chức chọn những kỹ sư giỏi, những cán bộ có năng lực đưa họ đến công trường lớn. Thời gian, công việc và sự khốc liệt sẽ tôi luyện những con người đó. Phẩm chất tốt, hoàn thành xuất sắc công việc sẽ được cất nhắc, bổ nhiệm. Như vậy, dây chuyền công nghệ bê tông dầm lăn, hay nói rộng hơn công trường thủy điện Sơn La là bài kiểm tra, là bài thi chuyển ngạch công chức. Bây giờ ông đảm nhiệm cương vị tổng giám đốc, thêm nhiều lo toan, thêm nhiều trách nhiệm… trong trái tim con người ấy vẫn chứa chan niềm tin, khát vọng.
Thủy điện Sơn La.
Chào thủy điện Sơn La. Xin gửi lại con đập như dải lụa vắt ngang dòng sông Đà Xin được gọi nơi đây là mảnh đất thiêng của người Sông Đà 5. Từ công trường này chúng tôi lớn lên và trưởng thành. Người Sông Đà 5 lên đường viết tiếp bài ca…
Hoàng Minh Sợi - Sông Đà 5