(Xây dựng) – Ngày 28/9 tại Hà Nội, Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng phối hợp với Cty Autodesk tổ chức hội thảo “Triển khai áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình”. Đây là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, cộng đồng DN trong và ngoài nước cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm liên quan đến việc triển khai áp dụng BIM theo đúng định hướng của Chính phủ.
Theo ông Trần Hồng Mai, Phó trưởng Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng, BIM là một giải pháp quan trọng để ngành Xây dựng tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
BIM là viết tắt tiếng Anh của cụm từ Building Information Modeling, nghĩa tiếng Việt là mô hình thông tin công trình. Theo ông Daniel Green – Giám đốc Phụ trách khối Chính phủ khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Autodesk, trong cụm từ nói trên, modeling là mô hình thiết kế cho các công trình xây dựng. Nhưng BIM không chỉ là mô hình thiết kế mà BIM chứa đựng bên trong rất nhiều thông tin về công trình xây dựng để mọi người có thể chia sẻ với các bên liên quan.
Đơn cử, từ giai đoạn thiết kế, thông tin về công trình được lưu trữ trong BIM sẽ được chuyển giao cho bộ phận thi công. Thông tin trong quá trình thi công sẽ tiếp tục được cập nhật, lưu trữ trong BIM và tiếp tục chuyển giao cho đơn vị vận hành để đơn vị vận hành công trình một cách hiệu quả. Có nghĩa là chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu, cơ quan quản lý Nhà nước… có thể hợp tác với nhau trong khai thác cơ sở dữ liệu rất lớn mà BIM lưu trữ.
Còn tại Việt Nam, theo ông Trần Hồng Mai - Phó trưởng Ban chỉ đạo BIM Bộ Xây dựng, hiện tại BIM cũng là giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của ngành Xây dựng.Ông Daniel Green cho biết, việc áp dụng BIM đang ngày một trở lên phổ biến trên thế giới. Nhiều nước đã áp dụng BIM ở các mức độ khác nhau, qua đó nâng cao nâng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của ngành Xây dựng.
Ông Trần Hồng Mai cho biết: Việc ứng dụng BIM tại Việt Nam từ chỗ chủ yếu được thực hiện tại một số dự án có yếu tố nước ngoài (do nước ngoài đầu tư, hoặc thuê tư vấn quản lý dự án, thiết kế nước ngoài), đến nay nhiều cơ quan, tổ chức trong nước, bao gồm chủ đầu tư, tư vấn, nhà thầu xây lắp… đã bắt đầu quan tâm, xem xét, triển khai do thấy được những lợi ích mà BIM mang lại.
“Qua tổng kết tại một số dự án cho thấy, ứng dụng BIM đã giúp chủ đầu tư rút ngắn tiến độ, tiết kiệm chi phí thông qua việc tối ưu hóa và xử lý trước các khó khăn trong giai đoạn thiết kế, thi công, kiểm soát chặt chẽ khối lượng thực hiện...” – ông Mai cho biết.
Tuy nhiên, cũng theo ông Mai, việc áp dụng BIM tại Việt Nam tỷ lệ còn thấp, mang tính tự phát và chưa có định hướng.
Tại hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia, cộng đồng DN trong và ngoài nước cùng chia sẻ những bài học kinh nghiệm liên quan đến việc triển khai áp dụng BIM.
Để triển khai áp dụng BIM trong lĩnh vực xây dựng, ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 2500/QĐ- TTg phê duyệt Đề án áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình với quan điểm nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để các chủ thể liên quan áp dụng BIM, thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, tiết kiệm nguồn nhân lực trong hoạt động xây dựng và quản lý vận hành công trình.
Theo Quyết định 2500/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đề án. Thực hiện nhiệm vụ này, Bộ Xây dựng đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án và ban hành kế hoạch hoạt động cụ thể. Theo đó, trong giai đoạn 2017 – 2019, Đề án tập trung nâng cao nhận thức và khuyến khích các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng BIM; xây dựng hành lang pháp lý và hệ thống các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật có liên quan để áp dụng BIM; xây dựng các hướng dẫn về BIM; xây dựng các chương trình khung đào tạo kiến thức về BIM và nâng cao năng lực cho các cơ quan chuyên môn.
Trong giai đoạn từ 2019 – 2020, Đề án triển khai áp dụng thí điểm BIM trong thiết kế, thi công, quản lý tại một số công trình xây dựng mới; thí điểm BIM trong quản lý vận hành một số công trình quan trọng; Đánh giá tình hình áp dụng thí điểm BIM. Từ năm 2021, Bộ Xây dựng sẽ ban hành các Thông tư, Hướng dẫn cụ thể để áp dụng rộng rãi BIM trong hoạt động xây dựng và vận hành công trình.
Ông Trần Hồng Mai nhận định: Theo kinh nghiệm của các nước đi trước, bước đầu triển khai công nghệ mới như BIM vào lĩnh vực xây dựng cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, do liên quan đến việc điều chỉnh quy trình sản xuất của đơn vị tư vấn, chuẩn bị nguồn lực để cập nhật các công cụ mới, quy trình phối hợp của các chủ thể trong dự án đòi hỏi tính chủ động và tinh thần trách nhiệm cao. Do vậy, hội thảo lần này tập trung làm rõ các giải pháp để triển khai áp dụng BIM có tính khả thi trong các DN tư vấn, xây lắp, đặc biệt là trong quản lý các dự án đầu tư xây dựng phù hợp với đặc thù Việt Nam. Hội thảo cũng đề cập đến giải pháp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của việc áp dụng BIM theo lộ trình; các biện pháp khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng để áp dụng BIM một cách có hiệu quả, từng bước hội nhập với thế giới.
Đề cập đến cơ hội phát triển BIM tại Việt Nam, ông Daniel Green nhận định: Việc thực hiện BIM ở Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển bởi Chính phủ và Bộ, ngành đều nhìn nhận được tầm quan trọng của BIM. Autodesk sẽ giúp Việt Nam ở 2 khía cạnh. Thứ nhất là giúp Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước tìm hiểu và học hỏi các thông lệ quốc tế tốt nhất trên thế giới cũng như giúp Chính phủ, cơ quan quản lý có thể tiếp cận được những tài liệu về việc thực hiện BIM của các nước trên thế giới, để Chính phủ, cơ quan nhà nước sử dụng trong việc ra quyết định, ban hành các văn bản quy định liên quan đến BIM.
Thứ 2, Autodesk cũng là một DN và đã làm việc, hợp tác với các DN Việt Nam ở một số công trình. Autodesk sẽ thể hiện rõ vai trò của mình trong một số công trình áp dụng BIM trong thời gian tới đây.
Tâm Vũ – Hạnh Trần